Yếu tố khai mở số hóa ngành xây dựng, bất động sản

Số hoá ngành xây dựng – bất động sản nên khởi đầu từ tư duy tiếp cận đa chiều, bám sát chuỗi giá trị, theo chuyên gia tư vấn chuyển đổi số Phan Thanh Sơn.

Người mua thay đổi hành vi, các doanh nghiệp từng bước thích ứng kỷ nguyên số là một trong những xu hướng nổi bật của ngành xây dựng – bất động sản hiện nay. Tốc độ số hóa hệ sinh thái kinh doanh cũng là một tiêu chí đánh giá mức độ thành công của các doanh nghiệp bất động sản. Chuyển đổi số trong lĩnh vực xây dựng – bất động sản với việc ứng dụng công nghệ PropTech (công nghệ áp dụng trong lĩnh vực bất động sản) khi thành công sẽ tạo nên những bùng nổ trong kết quả kinh doanh của doanh nghiệp cũng như trải nghiệm của người mua nhờ sự minh bạch và đồng bộ trong dữ liệu thông tin tổ chức và ngành.

Chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022 diễn ra cuối tháng 5 vừa qua, ông Phan Thanh Sơn – Giám đốc Phát triển kinh doanh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn chuyển đổi số/BCIS – Công ty Hệ thống Thông tin FPT nhận định, để chuyển đổi số được thực hiện với thời gian ngắn nhất, quy mô toàn diện nhất, tạo ra giá trị tốt nhất cho cả doanh nghiệp bất động sản và người mua… cần một cách tiếp cận chiến lược đa chiều.

Mặc cho những thách thức từ đặc thù ngành, bài toán nguồn lực hay việc phải thay đổi cả mô hình kinh doanh và quản trị, cơ hội và tiềm năng chuyển đổi số trong ngành bất động sản – xây dựng là rất lớn. Báo cáo của KPMG cho thấy khoảng 23,3 tỷ USD đã được đầu tư vào PropTechs trong năm 2020 trên phạm vi toàn cầu. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam ước tính tốc độ tăng trưởng của ngành bất động sản Việt Nam trong giai đoạn 2020 – 2030 đạt 20% mỗi năm, đến năm 2030, quy mô tài sản bất động sản tại Việt Nam đạt 1.266 tỷ USD tương đương 22% tổng tài sản của nền kinh tế.

Dù chuyển đối số ngành bất động sản liên tục tăng tốc nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn còn loay hoay trong triển khai, quá trình chuyển đổi diễn ra nhỏ lẻ ở các khâu, thiếu tính liền mạch và liên kết. Chuyên gia chuyển đổi số cho rằng, doanh nghiệp nên nhận thức rõ rằng chuyển đổi số cần tiến hành đường dài, không chỉ một sớm một chiều. Theo đó, chuyển đổi số cần tiến hành ngay từ giai đoạn đầu của dự án, từ khâu quy hoạch, thiết kế để tất cả dữ liệu được thiết lập quy hoạch tổng thể, giúp doanh nghiệp khai thác và kế thừa giá trị trơn tru cho khâu phía sau.

“Chúng ta muốn chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản thì nó không phải là chuyển đổi số riêng rẽ ở một điểm mà là sự nỗ lực tổng thể end-to-end, xuyên chuỗi trong chuỗi giá trị của ngành bất động sản, từ quy hoạch, thiết kế, xây dựng, vận hành và kinh doanh, giao dịch bất động sản. Khi đó sẽ tạo ra một hệ sinh thái kết nối với nhau”, ông Sơn chia sẻ.

Ông Sơn dẫn chứng quá trình chuyển đổi số tại thành phố thông minh Barcelona. Với tư duy khởi đầu lấy lợi ích của người sử dụng làm trọng tâm, Barcelona không bắt đầu từ công nghệ mà bắt đầu từ một bức tranh tổng thể của thành phố, đảm bảo sự phát triển đa chiều từ bảo tồn văn hóa lịch sử, kinh tế xã hội, hệ điều hành đô thị.

Mô hình thành phố thông minh - City Protocol mà Barcelona áp dụng, xuất phát từ nghiên cứu phẫu thuật thành phố. Ảnh: FPT IS

Mô hình thành phố thông minh – City Protocol mà Barcelona áp dụng, xuất phát từ nghiên cứu “phẫu thuật” thành phố. Ảnh: FPT IS

Để thành công, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực bất động sản – xây dựng không chỉ đơn giản nằm ở việc ứng dụng công nghệ mà quan trọng là tầm nhìn dài hạn, hiểu được nhu cầu cũng như bài toán thực sự doanh nghiệp gặp phải, hiểu được giá trị sau cùng mang tới cho khách hàng; hiểu được công nghệ nào phù hợp để triển khai. “Càng đặt ra nhiều mục tiêu có thể sẽ gặp trong tương lai của bất động sản cũng như chi phí cho số hóa, doanh nghiệp sẽ càng tiết kiệm với khả năng đáp ứng được toàn bộ mục tiêu đó trên một nền tảng số hợp nhất”, ông Sơn cho biết thêm về hiệu quả tổng lực khi khởi đầu từ chiến lược ứng dụng công nghệ xuyên suốt chuỗi giá trị của ngành.

Ông Phan Thanh Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng các khách mời chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam - châu Á 2022.

Ông Phan Thanh Sơn (ngoài cùng bên trái) cùng các khách mời chia sẻ tại Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam – châu Á 2022. Ảnh: FPT IS

Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tận dụng khoảng thời gian Covid-19 để ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, từ đó giữ vững được vai trò trụ cột trên thị trường bất động sản, tăng trưởng cả về quy mô và lợi nhuận, sẵn sàng quay trở lại thị trường khi có cơ hội. Nhiều tập đoàn bất động sản lớn đã phối hợp với FPT IS tạo lợi thế cạnh tranh từ ứng dụng công nghệ với nỗ lực số hóa quản trị. Các tập đoàn lớn Đất xanh, Filmore, An Gia, Phát Đạt, TNR, Coteccons… đã ứng dụng bộ giải pháp đặc thù riêng cho ngành được FPT IS phát triển trên nền tảng SAP.

Với lợi thế là công ty công nghệ có kinh nghiệm đa lĩnh vực với các giải pháp và nền tảng công nghệ sẵn sàng đồng hành cùng các doanh nghiệp trong ngành Xây dựng – Bất động sản tạo nên những giá trị mới, FPT đúc kết thành 3 bộ giải pháp gắn liền với chuỗi giá trị của ngành. Thứ nhất là giải pháp và dịch vụ chuyển đổi số cho doanh nghiệp ngành xây dựng – bất động sản và dịch vụ nghỉ dưỡng: tư vấn và cung cấp các giải pháp như ERP, CRM. Thứ hai là cơ sở hạ tầng số cho bất động sản được cung cấp bởi FPT Telecom theo nhiều hình thức khác nhau trong đó có mô hình cùng đầu tư, vận hành và chia sẻ lợi nhuận. Hạ tầng này bao gồm hạ tầng cho internet, dịch vụ thoại, truyền hình số, di động – wifi và nhà thông minh – smart home. Thứ ba là dịch vụ tư vấn tích hợp giải pháp, triển khai và hỗ trợ vận hành cho bất động sản thông minh từ khu đô thị đến từng tòa nhà đặc thù như nhà máy, sân bay, nhà ga.

Cùng với các giải pháp tự phát triển, FPT IS còn là đối tác cao cấp với nhiều hãng công nghệ uy tín trong nước và toàn cầu, sẵn sàng hợp lực tạo nên hệ sinh thái bất động sản thông minh tại Việt Nam từ khâu thiết kế, tư vấn đến quy hoạch, tích hợp, M&E, tài chính, các chính sách của chính quyền trong phối hợp với các tổ chức nước bạn đi vào các công trình bất động sản và làm đúng từ ban đầu. “Tinh thần FPT IS luôn là hợp lực – đồng hành doanh nghiệp bất động sản trong quá trình số hóa, hiện thực mô hình bất động sản thông minh, nhân rộng mô hình thành thành phố thông minh, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế số – xã hội số Việt Nam”, ông Sơn nhấn mạnh.