As steel industry reduces emissions: Input costs rise, steel prices will be even more expensive

Sản xuất “thép sạch” là một kế hoạch vừa tham vọng vừa cực kì tốn kém. Nếu chi phí sản xuất tăng cao thì giá thép thành phẩm trong tương lai sẽ còn leo thang hơn nữa.

Theo Wall Street Journal, các hãng thép lớn ở châu Âu và Mỹ, đơn cử như ArcelorMittal và Cleveland-Cliffs, đang nỗ lực hạn chế phát thải carbon với hy vọng có thể thu hút thêm khách hàng mới và giảm thiểu áp lực ngày càng lớn từ nhà đầu tư và chính phủ.

Tuần trước, hãng thép SSAB của Thụy Điển vừa xuất xưởng lô thép thương mại đầu tiên trên thế giới được sản xuất mà không sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Lô hàng này được giao cho nhà sản xuất xe tải Volvo.

Tuy nhiên, tiến trình giảm phát thải ở các nước đang phát triển, vốn là những khu vực sản xuất phần lớn sản lượng thép trên thế giới, lại chậm hơn nhiều. Điều đó cho thấy, ngành công nghiệp thép khả năng cao vẫn là nguồn xả thải khí CO2 lớn trong nhiều năm tới.

Hơn nữa, “xanh hóa” lĩnh vực luyện thép cũng rất tốn kém. Giới phân tích dự đoán rằng các sản phẩm thép sử dụng để chế tạo ô tô, nhà cửa và một loạt thiết bị gia dụng khác sẽ ngày càng trở nên đắt đỏ.

 

Những cột khói trắng đày đặc bên ngoài một khu phức hợp luyện thép ở Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

 

Không ngành nào ô nhiễm bằng luyện thép

Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nếu tính theo mức tiêu thụ năng lượng thì luyện thép tạo ra khoảng 7% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu, nhiều hơn bất kỳ ngành công nghiệp nào khác.

Trong bối cảnh nhu cầu thép dự kiến sẽ tiếp tục tăng, IEA cho biết các nhà máy sản xuất thép phải giảm một nửa lượng khí thải vào năm 2050 để thế giới hoàn thành mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Aditya Mittal – CEO của ArcelorMittal thừa nhận: “Trong ngắn hạn, tôi hiểu rằng mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính là rất khó khăn”.

Wall Street Journal (WSJ) dẫn số liệu của Hiệp hội Thép Thế giới (WSA) cho biết, hơn 70% sản lượng thép trên toàn cầu đang được sản xuất bằng công nghệ lò cao xuất hiện từ hơn 100 năm trước. Than đá sẽ được đốt ở nhiệt độ cao để giảm lượng oxy trong quặng sắt, từ đó biến quặng sắt thành thép, nhưng quá trình này phát thải rất nhiều khí CO2 ra môi trường.

 

Luyện thép là ngành công nghiệp ô nhiễm nhất thế giới. (Ảnh: Reuters).

 

Để giảm lượng khí thải, một số tập đoàn đang tăng cường đun chảy thép vụn để sản xuất thép mới, hoặc sử dụng công nghệ khử trực tiếp (đưa oxy ra khỏi quặng sắt mà không nung chảy quặng trong lò cao). Ngoài ra, họ còn nghiên cứu một số kỹ thuật như thay thế than đá bằng hydro, như cách SSAB áp dụng để sản xuất lô thép vừa bán cho Volvo.

Ông lớn ArcelorMittal đã cam kết đầu tư khoảng 10 tỷ USD để hạn chế phát thải khí nhà kính trong thập kỷ này. Hãng đặt mục tiêu giảm 25% lượng khí thải carbon trên mỗi USD doanh thu cho đến năm 2030.

Tháng trước, ArcelorMittal còn tuyên bố rằng một trong các nhà máy của họ ở Tây Ban Nha sẽ trở thành cơ sở sản xuất lớn đầu tiên trên thế giới cho ra lò thép không phát thải.

Để sản xuất “thép sạch”, chi phí đầu vào sẽ tăng cao

WSJ cảnh báo, các sáng kiến trên có thể cực kì tốn kém. Năm 2018, SSAB ước tính thép không sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong quá trình sản xuất sẽ đắt hơn khoảng 20 – 30% so với giá thành thép thông thường tại thời điểm đó. SSAB đã từ chối tiết lộ lô hàng xuất cho Volvo có giá trị bao nhiêu.

Đầu năm nay, ArcelorMittal chia sẻ với các nhà phân tích rằng chi phí luyện thép bằng công nghệ hydro tại một nhà máy ở Đức sẽ cao hơn so với chi phí hiện tại khoảng 60%, theo WSJ.

Để giúp tài trợ cho các sáng kiến mới, một số hãng thép đã tìm kiếm sự ủng hộ của công chúng. Gần đây, ArcelorMittal đã ký một thỏa thuận với Tây Ban Nha, theo đó chính phủ nước này có thể chi trả một phần trong khoản đầu tư mới trị giá 1 tỷ euro (tương đương 1,17 tỷ USD) mà ArcelorMittal rót vào nhà máy tại Tây Ban Nha.

Tương tự, SSAB đã hợp tác với hai công ty nhà nước khác để sản xuất “thép sạch”, và trong giai đoạn đầu, chính phủ Tây Ban Nha cũng đầu tư trực tiếp vào dự án.

Tại Mỹ, 70% sản lượng thép đang được sản xuất bằng cách sử dụng lò hồ quang điện để nấu chảy thép phế liệu. Theo IEA, quy trình này chỉ sử dụng khoảng 1/8 mức năng lượng sử dụng trong các lò cao nung chảy quặng sắt thông thường.

Nucor, hãng sản xuất thép lớn nhất nước Mỹ, hiện chỉ sử dụng thép phế liệu. Hồi tháng 7, Nucor tuyên bố hãng muốn giảm lượng khí thải carbon bằng cách sử dụng nhiều năng lượng tái tạo hơn. Một hãng thép khác của Mỹ là United States Steel cũng đặt mục tiêu tương tự. Song, hai ông lớn này đều từ chối tiết lộ chi phí sản xuất theo công nghệ mới.

Giá thép sẽ còn đắt đỏ hơn

Các nhà phân tích nhấn mạnh, nếu chi phí sản xuất cao hơn thì giá thép trong tương lai có thể ngày càng trở nên đắt đỏ hơn. Do đó, giá các sản phẩm chế tạo từ kim loại này cũng sẽ tăng lên.

Ông Alan Spence, một nhà phân tích về ngành thép tại ngân hàng đầu tư Jefferies, cảnh báo: “Mọi thứ sẽ đắt hơn, các sản phẩm thép sạch sẽ có mức chênh lệch lớn so với thép thường”.

Theo các nhà tư vấn tại McKinsey, nếu các hãng thép châu Âu hoàn thành mục tiêu giảm phát thải như đã cam kết, 30% sản lượng thép của năm 2030 sẽ không tạo ra khí CO2 và đến năm 2050 thì tỷ lệ này sẽ là 100%. Mỹ có thể đạt mốc 30% sớm hơn so với châu Âu vì tỷ lệ thép chế biến bằng lò hồ quang điện cao hơn.

Theo Vietnambiz